Giữ nguyên 14 chương, song dự thảo luật đã tăng 14 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội (trong đó bỏ 7 điều và bổ sung mới 21 điều), Bộ trưởng Quang cho biết.
Cụ thể, dự thảo đã bỏ quy định về Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc ban hành chính sách đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng Nhà nước có chính sách đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng và Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Quang, dự thảo mới đã có thêm quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền được tiếp cận các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân.
Theo Báo cáo việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, quy định việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và đảm bảo dân chủ trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng đã được đưa vào dự thảo.
Đáng chú ý, dự thảo mới nhất đã quy định người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất trong trường hợp các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Báo báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau thể hiện qua hai phương án ở dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong áp dụng bảng giá đất loại ý kiến thứ nhất, đề nghị bảng giá đất do Nhà nước quy định được áp dụng cho tất cả các mục đích (phương án 1).
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ áp dụng bảng giá đất đối với các trường hợp: tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. Các trường hợp còn lại thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể không thấp hơn bảng giá đất để áp dụng.
Ý kiến này nhận được sự tán thành của Thường trực Ủy ban Kinh tế.
Liên quan đến vấn đề công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất cũng vẫn còn hai loại ý kiến, theo Chủ nhiệm Giàu.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực; trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên.
Còn loại ý kiến thứ hai, tán thành với quy định của dự thảo Luật không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.
Quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký này đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Nếu bắt buộc phải có công chứng các hợp đồng thì sẽ gây khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất nên để cho các bên lựa chọn để tạo thuận lợi cho người dân.
Theo vneconomy