Trước thực tế đó, với Thông tư số 10, Bộ quyết định, đối với các khu vực, tuyến phố trong đô thị cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị, nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng.
Cùng với đó, các hộ gia đình, cá nhân xây mới nhà tại các đô thị, thay vì phải nộp cả bản vẽ kiến trúc và bản vẽ kết cấu công trình như quy định của Nghị định 64, thì theo hướng dẫn của Bộ, cá nhân, hộ gia đình chỉ phải nộp 2 bộ bản vẽ thiết kế, trong đó có các thông số về vị trí, mặt bằng, mặt cắt, mặt bằng móng cùng sơ đồ về đấu nối hạ tầng, kỹ thuật, xã hội là đủ điều kiện, không cần có các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực).
Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND cấp tỉnh căn cứ vào tính chất, chức năng và yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị quy định cụ thể các khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị, đặc biệt đối với các tuyến phố có lộ giới từ 12m trở lên.
Những khu vực, tuyến phố khác không thuộc danh mục yêu cầu phải lập đồ án thiết kế đô thị, UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm căn cứ cấp phép...
Đối với nhà ở riêng lẻ không bắt buộc phải có báo cáo thẩm định, phê duyệt thiết kế, nhưng nếu quy mô từ ba tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên thì phải do tổ chức tư vấn hoặc cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thiết kế và phải chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế. Cơ quan cấp phép chỉ kiểm tra tính hợp lệ của các bản vẽ kết cấu chịu lực.
Tổ chức, cá nhân thiết kế và thẩm tra thiết kế (nếu có) phải chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế do mình thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ dưới ba tầng hoặc có tổng diện sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2, hộ gia đình có thể tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn của công trình và các công trình lân cận.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/2/2013.
Theo vneconomy